Duck hunt
5 bí quyết đơn giản giúp bạn học đâu nhớ đấy

Học tập là việc cả đời người, thế nhưng trí nhớ của con người có giới hạn, làm thế nào để ghi nhớ lâu hơn tất cả những kiến thức đã học?

Nếu muốn học một thứ gì đó, bạn phải có 2 loại kiến thức cơ bản.

- Loại đầu tiên là những kiến thức về thứ bạn đang cần học, ví dụ như ngoại ngữ, lịch sử, các giáo trình kinh doanh...

- Loại tiếp theo là kiến thức về việc học, nó diễn ra như thế nào.

Trong giáo dục hiện đại, các trường học thường bỏ qua 1 trong 2 loại này. Đây là vấn đề nghiêm trọng vì nó có thể giúp bạn học được thứ mình cần, nhưng để hiểu về bản chất, học thuật sâu xa thì ít có trường lớp nào đào tạo được. Học sinh có thể tiếp cận rất nhiều kiến thức mới, nhưng do cách thức học tập chưa chính xác dẫn tới việc học tập không hiệu quả.
IMG
Các bậc phụ huynh hay giáo viên chỉ áp dụng loại kiến thức đầu tiên, giới thiệu kiến thức mới cho học sinh, con em và yêu cầu họ học theo. Mặc dù vậy vì không hiểu được việc "học" thực chất là gì nên tình trạng học không sâu, nhớ không lâu bắt đầu xuất hiện.

Vậy, làm thế nào để giải quyết được vấn đề này? Dưới đây là 5 bước để học bất kì thứ gì và nhớ được nó tốt nhất.

1. Ép bản thân nhớ lại những gì đã học

Mỗi khi nhắc tới học tập, ai cũng lắc đầu ngán ngẩm vì nó khó, chẳng ai thích làm việc khó cả. Học tập cũng giống như nâng một quả tạ rất nặng, có thể bạn không nâng được nó quá đỉnh đầu nhưng những gì bạn đang làm là cố gắng hết sức để thuần hoá nó. Học cũng vậy, bạn đang cố gắng hết sức để tích luỹ kiến thức cho bản thân.

Khi bạn cố gắng nhớ một đoạn thông tin nào đó, bạn làm ảnh hưởng tới quá trình quên và cố gắn thông tin vào bên trong não bộ. Chính vì thế, thay cho việc cố gắng nhồi nhét quá nhiều thứ vào đầu một lúc, hãy đưa ra những bài tập để tự nhắc lại những gì mới học. Quá trình học tập sẽ ngắn hơn và tự hỏi lại bản thân về những gì vừa học theo tần suất lớn sẽ giúp bạn nhớ nhanh, lâu hơn.

Nhiều nghiên cứu, thống kê cho thấy chỉ có 11% sinh viên, học sinh học tập theo cách thức này nhưng kết quả ghi nhớ của bộ phận nhỏ kia tốt hơn hẳn.

2. Không được dễ dãi với bản thân

Học tập là một quá trình, nó cần được khổ luyện và cần có sự nỗ lực của bản thân.

Trong cuộc sống, mọi thứ diễn ra không dễ dàng, nó là một chuỗi những hành động quen thuộc nhưng được sắp xếp ngẫu nhiên. Ví dụ như các hoạt động hàng ngày của bản thân chúng ta vậy, bản chất của hành động vẫn thế nhưng cách thức thực hiện cùng những vướng mắc thay đổi liên tục. Học tập cũng tương tự.

Nếu đang luyện tập cho những bài thi, trắc nghiệm chẳng hạn, đừng cố làm nó theo thứ tự, hãy chọn những câu hỏi ngẫu nhiên để thực hiện. Các bài thi trắc nghiệm đôi lúc sắp xếp mọi thứ theo trình tự logic, suy nghĩ để tiết kiệm thời gian cho người làm. Rèn luyện theo cách thức này không sai, thế nhưng nó không đủ phức tạp để kích thích hoạt động của não bộ.

Bằng cách đó, khi tiếp cận với một câu hỏi hoặc vấn đề xa lạ, bạn sẽ phải vận dụng não bộ để giải quyết nó. Thay đổi tư duy suy nghĩ liên tục không những giúp ta giỏi hơn mà nó còn giúp khả năng suy nghĩ tăng cường, nhanh nhạy hơn trong mọi hoàn cảnh.

3. Đừng mắc phải cái bẫy "trôi chảy"

Khi bạn làm một điều gì đó và cảm thấy nó rất dễ, bạn đang gặp phải hiệu ứng trôi chảy. Về bản chất nó là thứ tốt, thế nhưng về lâu dài nó có thể khiến bạn gặp rắc rối.

Lấy ví dụ như bạn đến sân bay và cố gắng nhớ mình cần tới cổng nào để lên được máy bay. Bạn nhìn lên màn hình điều hướng và nó chỉ bạn tới cánh cổng bạn cần. Và bạn nghĩ trong đầu mình rằng, ồ hoá ra là thế, thật dễ dàng. Thế rồi trong quá trình di chuyển, bạn bấm điện thoại liên hồi và rồi khi tới sát bạn đột nhiên quên mất số cổng mình cần tới. Đó chình là hiệu ứng trôi chảy khi bạn bị phụ thuộc vào những thứ dễ dàng.

Để giải quyết vấn đề này, hãy lặp lại bước 1, thường xuyên hỏi lại bản thân về thứ cần nhớ, nó sẽ được lưu trữ trong não bộ và có thể được lấy ra khi cần.

Trong thực tế, khi bạn cần học một thứ gì đó và đột nhiên cảm thấy nó thật dễ dàng, đừng bỏ lửng nó giữa chừng, hãy thường xuyên nhắc lại bản thân về vấn đề vừa học. Không những thoát được khỏi cái bẫy "trôi chảy" mà bản thân tự vẽ ra, nó còn giúp bạn nhớ vấn đề lâu hơn.

4. Kết nối thứ mới với thứ cũ

Khả năng kết nối thứ mới học với những kiến thức đã có trong bản thân rất quan trọng khi bạn muốn học nhanh một thứ gì đó. Bất kì kiến thức gì trong cuộc sống cũng đều có liên kết với thứ khác, những điều mà chúng ta đã biết. Bạn càng biết nhiều bạn càng dễ mở mang thêm kiến thức của mình khi sử dụng biện pháp kết nối trên.

Trước hết, khi tiếp cận một kiến thức mới, hãy cố gắng bóc tách nó ra thành nhiều thứ đã biết, nếu hiểu được về bản chất của nó thì càng tốt, nếu không hãy dùng những liên kết đã biết trên để xây dựng nên kiến thức mới.

Kết quả là gì? Thay vì phải nhớ một lô những thứ mới, bạn chỉ cần vận dụng sự kết nối với những thứ đã có để tạo nên nó. Không những quá trình học tập nhanh hơn mà còn nhớ lâu hơn đáng kể.

5. Luôn đối chiếu lại với bản thân

Nhìn lại những gì mình đã hoàn thiện rất tốt. Trong một nghiên cứu của Đại học Harvard, những nhân viên văn phòng dành ra 15 phút thống kê lại những gì mình làm được trong ngày cải thiện rõ năng suất làm việc trong ngày hôm sau.

Đại diện của nhóm nghiên cứu tại Harvard cho hay: "Khi con người có khả năng đối chiếu lại những gì đã làm, họ sẽ có được sự cải thiện về hiệu suất của bản thân. Họ cảm thấy tự tin hơn về việc làm mọi việc. Kết quả là họ cố gắng hơn để làm hay học những thứ gì mình cần".

Theo CafeBiz/Trí Thức Trẻ